Sữa Có Gây Mụn Trứng Cá Không? Cách Kiểm Soát Mụn Trứng Cá Hiệu Quả

Sữa trong cà phê có phải là nguyên nhân gây mụn? Chúng tôi khám phá mối quan hệ phức tạp giữa các sản phẩm từ sữa và mụn trứng cá cũng như tác động của nó đối với da của bạn.

Mụn trứng cá là gì và nguyên nhân gây mụn?

Mụn trứng cá là tình trạng viêm nhiễm ở nang lông tiết bã do sự tăng tiết chất bã nhờn, dẫn tới bít tắc lỗ chân lông(1). Vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm và hình thành các nốt mụn đỏ trên da. Nguyên nhân chính xác gây mụn hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học đồng ý rằng một vài yếu tố có thể dẫn đến các đợt bùng phát mụn trứng cá. Nội tiết tố, sự tăng sinh bã nhờn dư thừa, căng thẳng tâm lý và hệ vi sinh trên da là một trong số đó.
Các nhân tố khác như di truyền và loại da cũng góp phần gây ra vấn đề về da này, nhưng lý do tại sao một số người trong chúng ta dễ nổi mụn hơn những người khác lại khó xác định. Một khả năng khác có thể là chế độ ăn uống, dựa vào các nghiên cứu về mối tương quan giữa chế độ ăn uống và mụn trứng cá, đặc biệt là chế độ ăn giàu sữa(2).

Bạn có bao giờ tự hỏi liệu sữa có phải nguyên nhân khiến da bạn nổi mụn? Khoa học đã chứng minh điều này hoàn toàn có khả năng. Các nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa các sản phẩm từ sữa và mụn trứng cá. Nhưng trước khi bạn hoàn toàn từ bỏ các sản phẩm từ sữa vì lợi ích làn da, hãy đọc tiếp để biết các sản phẩm này tác động tới da bạn như thế nào, và cách kiểm soát các đợt bùng phát mụn hiệu quả nhất.

Sữa gây ra mụn trứng cá như thế nào?

Sữa đã được chứng minh là kích thích tăng sinh bã nhờn, gây ra tình trạng mụn bùng phát. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là bã nhờn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng làn da vì nó giúp bôi trơn và giữ nước bằng cách tạo nên một "rào cản" ngăn sự thoát hơi ẩm trên bề mặt da (3). Tuy nhiên sự mất cân bằng- quá nhiều hoặc quá ít- có thể gây ra các vấn đề về da(4). Và sự mất cân bằng này có liên quan tới sữa.

Khi tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa, chúng có thể gây ra sự gia tăng đột ngột về insulin, khiến gan sản xuất một loại hormone tăng trưởng. Hormone này kích thích gia tăng bã nhờn và gây bít lỗ chân lông. Chưa kể phần lớn sữa tiêu thụ thường đến từ bò đang mang thai và chứa nhiều hormone tăng trưởng giống insulin(6).

Mặc dù lý tưởng cho sự phát triển của bò sơ sinh, sự hiện diện của hormone này có thể có tác động tiêu cực đến những người có làn da dễ nổi mụn, vì có thể làm tăng sinh bã nhờn, khiến da viêm nhiễm và xuất hiện mụn.

Sữa có phải là sản phẩm từ sữa duy nhất có thể gây mụn trứng cá không?

Cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy so với các sản phẩm từ sữa khác, sữa có liên quan chặt chẽ nhất đến sự bùng phát mụn trứng cá. Chưa có nghiên cứu xác nhận về việc phô mai và sữa chua gây mụn. Trái lại, sữa chua chứa các men vi sinh, có khả năng chống viêm và có thể hữu ích cho da(7).

Và trước khi bạn chuyển sang sữa ít béo/tách kem, điều quan trọng cần lưu ý là những sản phẩm thay thế này đã được chứng minh là cũng gây ra các đợt bùng phát mụn(8). Điều này là do quá trình tách kem khỏi sữa thường loại bỏ các acid béo và chất dinh dưỡng lành mạnh, có tính kháng viêm. Do được chế biến nhiều hơn sữa còn nguyên chất béo, chúng có nồng độ hormone cao hơn. Whey protein tìm thấy trong sữa ít béo/tách kem, được cho là làm gia tăng nồng độ insulin và góp phần sản xuất bã nhờn dư thừa(9).

Các cách kiểm soát mụn trứng cá hiệu quả tốt nhất

Nếu bạn bị mụn trứng cá hoặc có làn da dễ nổi mụn, có lẽ bạn nên thử cắt bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn uống để theo dõi phản ứng da của bạn. Những cách khác giúp kiểm soát mụn bao gồm:   

Sử dụng các sản phẩm không gây mụn
Những sản phẩm này không chỉ giúp da bạn thông thoáng, dễ thở mà còn hạn chế bít tắc lỗ chân lông.

Tránh tẩy da chết quá nhiều
Đối với những người bị mụn, họ tẩy tế bào chết thường xuyên với mong muốn loại bỏ lượng dầu thừa trên da. Nhưng tẩy da chết quá nhiều có thể dẫn đến khô da, kích thích sản sinh bã nhờn, góp phần khiến bùng phát mụn trứng cá.  

Giữ cho da bạn luôn được cấp nước với một loại kem dưỡng ẩm kết cấu mỏng nhẹ, lành tính, không gây mụn
Hãy nhớ rằng ngay cả da dầu cũng cần được dưỡng ẩm (vì dầu thừa không có nghĩa là da được cung cấp đủ nước).
Bạn cũng có thể thay đổi một số thói quen sinh hoạt để kiểm soát và ngăn ngừa mụn trứng cá bùng phát, bao gồm:

  •  Chú trọng vấn đề vệ sinh
  • Thay vỏ gối và ga trải giường thường xuyên để giảm thiểu vi khuẩn tích tụ.
  • Uống nhiều nước
  • Cùng với một loạt lợi ích hydrat hóa từ sâu bên trong, nước cũng tăng cường luân chuyển máu qua cơ thể và da.
  • Bổ sung các loại thực phẩm như quả óc chó, quả bơ, dầu hạt lanh và cá hồi vào chế độ ăn của bạn. Những thực phẩm này có thể kiểm soát phân tử gây tăng sinh bã nhờn và viêm nhiễm, hạn chế tối đa khả năng bùng phát mụn.

Làn da sạch và tươi sáng hơn? Đúng, hãy làm vậy.

NGUỒN:
1. Kucharska, A. et al, "Significance of diet in treated and untreated acne vulgaris" in Advances in Dermatology and Allergology 33.2 (2016) pp. 81-86
2. Ulvestad, M. et al, "Acne and dairy products in adolescence: results from a Norwegian longitudinal study" in Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology 31.3 (2017) pp. 530-535
3. Pappas, A. et al, 'Sebum analysis of individuals with and without acne' in Dermato Endocrinology 1.3 (2009) pp. 1576161
4. Pappas, A. "The relationship of diet and acne" in Dermato Endocrinology 1.5 (2009) pp. 262-267
5. Bowe, W.P. "Growing evidence suggests possible link between diet and acne" in American Academy of Dermatology Association (2013)
6. Pappas, A. "The relationship of diet and acne" in Dermato Endocrinology 1.5 (2009) pp. 262-267
7. Bowe, W.P. et al, 'Acne vulgaris, probiotics and the gut-brain-skin axis - back to the future?' in Gut Pathogens 3.1 (2011)
8. LaRosa, C.L. et al, "Consumption of dairy in teenagers with and without acne" in American Academy of Dermatology 75.2 (2016) pp. 318-322
9. Danby, F.W. "Acne: Diet and acnegenesis" in Indian Dermatology Online Journal (2011) 2.1 pp.2-5